Kỹ thuật cần nắm nếu muốn trồng bưởi Da Xanh thành công

0

Kỹ thuật thâm canh, điều khiển hoa nghịch vụ, bao bông, hay xử lý vườn khi gặp mưa lớn kéo dài… khi trồng bưởi Da Xanh, hiện nay được rất nhiều mô hình trang trại, nhà vườn cả nước áp dụng thành công và cho hiệu quả cao.

Thực tế đã chỉ ra rằng, áp dụng đồng thời những kỹ thuật kể trên, giúp cây bền lực hơn, giảm hẳn tình trạng mất mùa. Chưa kể số trái trong 1 năm có thể tăng đến 2 – 3 lần, vị ngọt, màu sắc, trọng lượng, lẫn giá thành cũng được cải thiện đáng kể.

Hãy cùng bưởi Văn Trì tìm hiểu rõ hơn qua bài viết ngắn dưới đây nhé !


KỸ THUẬT THÂM CANH CAO

Trồng bưởi Da Xanh theo mô hình thâm canh có rất nhiều ưu điểm như : thời gian thu hoạch kéo dài ít nhất là trên 15 năm, trọng lượng mỗi trái đạt 1.5 – 2kg nhiều hơn, tiết kiệm được chi phí phòng trừ sâu bệnh…

Cách làm như sau

Trong giai đoạn cây từ 1 – 3 năm tuổi

Khi đã trải qua bước công đoạn thiết kế vườn và chọn giống bưởi Da Xanh, thì cách sử dụng phân bón là điểm mấu chốt để thành công khi áp dụng mô hình thâm canh cao. Thực tế cho thấy, để cây phát triển ổn định, cũng như duy trì thành phần hóa học và vật lý thì nên ưu tiên dùng phân chuồng , phân vi sinh và phân Lân.

Nói thêm 1 chút về phân Lân: nên ưu tiên dùng phân lân nung chảy do phù hợp với nhiều loại đất, hiệu quả bền lâu, có khả năng khử chua tốt. Trong khi Supe lân mặc dù tác dụng nhanh, nhưng lại dễ hình thành các hợp chất khó tan trong đất.

phan lan nung chay

Lưu ý không nên giữ trái quá sớm, mà ngắt bỏ để tập trung nuôi dưỡng bộ tán. Bước sang năm thứ 2, 3 mới bắt đầu để 1 vài trái và tăng dần vào những năm kế tiếp.

Từ năm thứ 4 trở đi

Là thời kỳ kinh doanh trái, ta tiến hành xử lý trước ra hoa bằng cách: bón 2kg/gốc phân NPK 16–16–8–13 S và 1kg phân hữu cơ vi sinh.

Nếu đầu tháng 2 âm vẫn chưa có mưa, thì có thể tiến hành ngưng tưới và xiết nước trong vườn, khi lá hơi héo tưới nước trở lại mỗi ngày 2 lần – duy trì 4 ngày liên tục, và 1 lần/ ngày trong những ngày tiếp theo. Lúc này cây bưởi Da Xanh sẽ xuất hiện đọt non, phun MKP (0–52–34) giúp lá non mau thành thục, khoảng 15 – 20 ngày kế tiếp, cây sẽ đâm bông.

phan bon la mkp 0-52-34 sai gon

Khi trái đã thành hoàn toàn và to bằng ngón tay cái phun hỗn hợp (Decis + Vicarsen) hoặc Mancozeb 80WP + Pegasus 500EC, cứ 10 ngày phun 1 lần, để ngừa nấm, sâu vẽ bùa và nhện đỏ. Tăng liều lượng lên khi trái bằng ấm trà để giảm nguy cơ trái bị biến dạng, vỏ sần sùi hay vàng rụng sớm.

Thời điểm trái được 2 tháng, bón bổ sung NPK 16–16–8–13S 1kg/gốc tăng giảm tùy theo sức khỏe của cây.

Trước 3 tháng thu hoạch, dùng phân bón lá Growmore 20–30–20 để trái mỏng vỏ, múi nhiều nước. Kết hợp bón phân đậu tương hoặc phân Con Cò NPK 7-7-14 2kg/gốc để tăng độ ngọt và vỏ xanh tươi hơn.

phan bon la Growmore 20–30–20

Sau khi thu hoạch, bón phân hữu cơ khoai mục (có thể dùng phân trâu bò, gà, chim …). Bà con cũng có thể thay thế bằng phân hữu cơ vi sinh 2 – 4kg/gốc.

Lưu ý: liều lượng bón hay xử lý thuốc trừ sâu sẽ gia giảm tùy sức phát triển của cây và điều kiện thực tế.

KỸ THUẬT ĐIỀU KHIỂN THỜI GIAN RA HOA

Thời gian thu hoạch bưởi Da Xanh chính vụ thường rơi vào tháng 10 – 11, tuy nhiên do lượng trái đưa ra thị trường đồng thời điểm, khiến cung lớn hơn cầu, kéo theo giá bán không được cao.

Xuất phát từ thực trạng này, khá nhiều người trồng thắc mắc:

Có giải pháp nào để điều khiển thời điểm trái chín, mà cụ thể là dịp tháng chạp (12 âm lịch)?

Không có gì khó khăn cả, bà con hoàn toàn có thể xử lý được bằng cách áp dụng đồng thời 2 kỹ thuật vặt (lặt) lá, kết hợp với bón phân để ép cây ra hoa vào giữa tháng 4, đầu tháng 5 (âm). Các bước làm cụ thể như sau:

  • Bước 1: Ước định cành sẽ mang trái: là những cành bánh tẻ – 1 năm tuổi (tính từ khi phát mầm), ưu tiên cành ở vòm ngoài – phân bố đều quanh gốc – tránh nằm quá sâu bên trong tán.
  • Bước 2: Bắt đầu ngắt toàn bộ những lá xấu – già, chỉ giữ lại các lá đẹp và còn non phía ngọn của cành đã chọn mang trái trước đó. Lưu ý thực hiện trước thời điểm muốn ra hoa khoảng 2 tuần.
  • Bước 3: Xới nhẹ bề mặt đất, đúng bằng độ rộng tán cây, tiếp đó bón 1kg NPK đầu trâu 20-20-15+TE, kết hợp với tưới nước giữ ẩm liên tục 2 tuần rồi xiết nước, để thúc bưởi ra hoa. (lượng bón này áp dụng cho cây 5 năm tuổi, tăng dần 0.5kg cho các năm tiếp theo). Bón bổ sung lần 2 khi đã thành trái (bằng cỡ ngón tay), lần 3 khi trái đã đạt kích thước tối đa (chừng 4 tháng tính từ thời điểm đậu quả).

lat la kich thich buoi ra hoa 1

Lưu ý:

Nếu trồng bưởi Da Xanh ở miền Bắc, tiết trời lập xuân sẽ xuất hiện mưa vào đầu tháng 1 – 2 âm, ngay sau đó cây sẽ phát lộc và cho hoa thì số trái thu sẽ rơi vào tháng 8 – 9. Trong trường hợp này, muốn điều khiển bưởi chín đúng tết Nguyên Đán thì bà con cứ để số hoa đó phát triển bình thường, đến tháng 4 thì ngắt bỏ toàn bộ trái đã đậu. Tiếp tục chăm sóc như bình thường, có thể bón thêm 0.5 – 1kg Kali (gốc 5 năm tuổi) để hỗ trợ khả năng hấp thụ đạm của cây, đồng thời phun (hỗn hợp KClO3 và NaClO3: tỷ lệ 30g/10l nước) lên bề mặt lá, phun lần 2 sau 7 – 10 ngày để kích thích bưởi ra hoa.

Rất thành công khi áp dụng kỹ thuật trồng bưởi Da Xanh này không thể không nhắc tới anh Ba Phước ở Châu Thành – Tiền Giang hay chị Thanh Thủy ở Bến Cát – Bình Dương. Chị chia sẻ:

Áp dụng kỹ thuật lặt lá và bón phân hợp lý, giúp hầu hết các cây của chị đều đạt được năng suất 300 – 400 trái/năm (3 đợt hái), chưa hết khi kiểm tra chất lượng trái thì hầu hết các trái đều có trọng lượng từ 1.3kg trở lên. Điều đáng nói là số trái thu hoạch đúng áp tết, sẽ rất có giá so với đợt trong năm xấp xỉ 40.000đ/kg.

buoi da xanh co nhieu can nang khac nhau

Một câu hỏi khác, là làm sao để bưởi Da Xanh có trái quanh năm?

  • Dễ thấy, nếu để hoa nở tự nhiên (tức hoa sẽ nở rộ vào tháng 3 – 4, và lác đác một vài bông sau mỗi đợt phân hóa mầm), thì trái gần như chỉ có vào tháng 10 – 11, thời điểm khác trong năm trái không đáng kể.
  • Trên cùng một cây hoa trái thường không ra tập trung, mà vẫn có những cành dù đến tuổi nhưng vẫn chưa cho hoa.

ky thuat trong buoi da xanh co qua quanh nam

=> Lợi dụng 2 yếu tố này, ta có thể giảm bớt lượng trái trong vụ chính bằng cách:

  1. Khi trái to bằng trái chanh, thì hái bớt chỉ giữ lại tối đa 1 chùm 3 trái. Sau 1 tháng thì hái lần tiếp theo, chủ yếu là những quả méo mó, bị bệnh.
  2. Đồng thời kích thích hoa nở ở cành chưa ra hoa, bằng cách cắt phần ngọn (cỡ ngón trỏ) và tỉa bớt lá già bên dưới.
  3. Song song là dùng phân bón thúc 0.2kg DAP + 0.2kg Ure (cho cây 5 năm tuổi) để kích thích việc ra rễ và mọc mầm của cây.

KỸ THUẬT BAO BÔNG

Khi trồng bưởi Da Xanh, ngoài năng suất thì trái khô, nhạt và bé ảnh hưởng lớn đến giá thu mua, chưa kể chất lượng quá thấp sẽ khó tìm được đầu ra. Hiểu rõ vấn đề này, người trồng ở khu vực Chợ Lách – Bên Tre, mà điển hình là bác Lê Văn Hoa đã thí điểm và thành công với kỹ thuật bao bông.

ky thuat bao bong 1

Như các bạn đã biết, bưởi là có khả năng thụ phấn chéo nhờ gió và côn trùng.., giúp số trái đậu nhiều hơn, nhưng cũng chính điều này dẫn đến trái tạo thành mất đi độ thuần, phẩm chất giảm sút. Mà ví dụ thực tế nhất là khi một số vườn lân cận trồng cam, chanh hoặc giống bưởi khác, chắc chắn có số lượng trái nhất định sẽ mất đi vị ngọt thơm vốn có.

Để giải quyết tình trạng này bác Hoa đã sử dụng túi lưới bằng kẽm (tơ ni lông) cao 1.5cm – rộng 10cm, mắt cực nhỏ bọc kín đầu nụ hoa để ngăn côn trùng đậu vào lấy mật . Khi sự tự thụ phấn đã diễn ra hoàn toàn (chừng 3 -5 ngày sau khi hoa nở) thì bỏ lưới. Đây cũng chính là kỹ thuật trồng bưởi Da Xanh không hạt, được bác Hoa chia sẻ trong tại hội thảo quốc tế về nông nghiệp (Parade Pangan Nusantara 2014 – Indonesia).

tien hanh bao bong truoc khi ra nu

Cá nhân tôi thấy rằng biện pháp này khá là tỷ mỷ và không triệt để, chưa kể tìm kiếm và thiết kế lưới như mong muốn khá là khó khăn. Thay vào đó ta có thể xây dựng các trang trại lớn hoặc vùng chuyên canh trồng bưởi Da Xanh, đồng thời áp dụng kỹ thuật thụ phấn nhân tạo sẽ dễ dàng triển khai mà vẫn đảm bảo năng suất.

KỸ THUẬT XỬ LÝ VƯỜN BƯỞI TRONG MÙA MƯA

Bưởi Da Xanh vốn là cây ưa cạn, nhưng lại không thể thiếu nước, đặc biệt với bà con đang áp dụng kỹ thuật điều khiển hoa trái ngịch vụ như đã trình bày ở phần trên. Nếu không xử lý đúng cách bộ rễ có nguy cơ bị hư hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của cây và sẽ không giữ được trái.

Cách làm như sau:

Trước mùa mưa

Cần đắp bờ bao quanh vườn, sẵn sàng máy bơm

Các rãnh nhỏ phải được lạo vét thường xuyên, để mưa xuống là nước thoát hết ngay.

Phun thuốc Mancozeb, Metalaxy, Hecxa … để phòng ngừa các bệnh do nấm như: vàng lá thối rễ, rỉ sắt, thán thư, sương mai… Tiếp tục dùng Trichoderma (hoặc dùng phân vi sinh Trichomix) để giữ lại vi sinh vật có lợi cho cây, cũng như kích rễ non phát triển, đến mùa mưa các rễ này đã già sẽ giảm thiểu tỷ lệ bị thối.

Cắt tỉa cành cành khô, vượt và vô ích để hạn chế sự hấp thu dinh dưỡng ko cần thiết và giúp vườn thông thoáng, hạn chế ẩm độ.

Trong mùa mưa:

Thường xuyên quan sát mực nước trong các mương chứa, đảm bảo mực nước ổn định ngay cả trong những ngày mưa lớn kéo dài (mô hình vườn ở Nam Bộ).

Những khu vực bị ngập cục bộ phải tạo lối thoát nước ngay, hạn chế tối đa các rễ tơ bị hỏng.

he thong tuoi tieu giup on dinh nang suat vuon buoi

Sau mùa mưa:

Độ ẩm cao khiến nấm khuẩn và các loại sâu hại bưởi tấn công rất mạnh, đặc biệt là các loại hại lá và rễ, bà con cần theo dõi sát sao để có phương án xử lý kịp thời.

Duy trì chế độ bón phân như đã trình bày ở phía trên.

Về kỹ thuật phòng ngừa sâu bệnh, trong những bài viết trước đó bưởi Văn Trì đã chia sẻ khá kỹ nên sẽ không trình bày thêm trong bài viết này. Việc sâu bệnh hại xuất hiện có thể do 1 nguyên nhân, cũng có thể xuất hiện cùng lúc nhiều vấn đề.

Nếu còn thắc mắc hay đóng góp gì bạn có thể comment bên dưới bài viết, chúc bà con có những vườn cây trái trĩu quả !

Từ khóa tìm kiếm:

  • Trồng bưởi Da Xanh
  • Kỹ thuật trồng bưởi da xanh
  • Mô hình trồng bưởi da xanh
  • Tài liệu trồng bưởi da xanh
  • Cách trồng bưởi da xanh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here